Nội dung chính
  1. Các khái niệm marketing là gì?
  2. Các khái niệm Online marketing là gì?
  3. Tài liệu tham khảo
    1. Danh mục tiếng Việt
    2. Danh mục tiếng Anh

Amy Blog

Blog cá nhân chia sẻ về hành trình tập làm người lớn của cô gái Tây Nguyên.

Tổng hợp các khái niệm về Marketing là gì? (Luận văn UEH)

Bên dưới là tổng hợp những khái niệm về Marketing là gì & Marketing trực tuyến là gì mà mình thực hiện trong bài Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ ở trường UEH hồi năm 2016. 

Có thể sẽ giúp ích cho bạn khi đang cần tài liệu tham khảo để nghiên cứu hàn lâm. Đây là phần nằm trong Chương 1 - Cơ sở lý thuyết bài luận văn.

P/s 1: Vì hiện tại mình chưa tìm ra nội dung trong file bài hoàn chỉnh cuối cùng của mình nên mình up tạm bản này.

P/s 2: nếu bạn tò mò về mình thì có thể xem ở phần Giới thiệu nhé. Mình đơn giản chỉ là một cô gái tuổi 30 đang niềng răng và muốn chia sẻ lại những điều trên hành trình tập làm người lớn của mình (>,<)


Đề tài luận văn của mình là về hoạt động marketing trực tuyến (Online marketing) cho nên cơ sở lý thuyết của mình sẽ đi từ khái niệm chung về marketing rồi mới tới khái niệm về online marketing.

Các khái niệm marketing là gì?

Thuật ngữ marketing được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1902 trên giảng đường trường Đại học Michigan ở Mỹ. Đến năm 1910, tất cả các trường Đại học tổng hợp ở Mỹ bắt đầu giảng dạy môn học này.

Suốt trong gần nửa thế kỷ, marketing chỉ được giảng dạy trong phạm vi các nước nói tiếng Anh. Mãi đến sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, vào những năm 50 và 60 của thế kỷ XX, nó mới được truyền bá sang Tây Âu và Nhật Bản. Quá trình quốc tế hoá của marketing đã phát triển rất nhanh. Ngày nay, các doanh nghiệp muốn kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao đều cần phải có sự hiểu biết và vận dụng marketing hiện đại.

  • McCarthy định nghĩa: marketing là quá trình thực hiện các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu của tổ chức thông qua việc đoán trước các nhu cầu của khách hàng hoặc người tiêu thụ để điều khiển các dòng hàng hóa dịch vụ thỏa mãn các nhu cầu từ nhà sản xuất tới các khách hàng hoặc người tiêu thụ. (McCarthy, 1975)
  • Theo Gronroos (1990): marketing là thiết lập, duy trì và củng cố các mối quan hệ với khách hàng và các đối tác liên quan để làm thỏa mãn mục tiêu của các thành viên này.
  • Hiệp hội marketing Hoa Kỳ, American Marketing Associate, gọi tắt là AMA (2007): đưa ra định nghĩa chính thức rằng marketing là hoạt động, tập hợp các thể chế và quy trình nhằm tạo dựng, tương tác, mang lại và thay đổi các đề xuất có giá trị cho người tiêu dùng, đối tác cũng như cả xã hội nói chung.
  • Stone et al (2007): nhận định rằng “Marketing là một hệ thống các hoạt động kinh doanh thiết kế để hoạch định, định giá, xúc tiến và phân phối sản phẩm thỏa mãn mong muốn của những thị trường mục tiêu nhằm đạt được những mục tiêu của tổ chức”.
  • Philip Kotler: “Marketing là tiến trình qua đó các cá nhân và các nhóm có thể đạt được nhu cầu và mong muốn bằng việc sáng tạo và trao đổi sản phẩm và giá trị giữa các bên” (Kotler et al, 1994, p. 12).

- Tuy nhiên đến năm 2012, ông tiếp cận theo cách rộng hơn và khái niệm marketing là quy trình mang tính quản trị và xã hội, theo đó các cá nhân và tổ chức giành được những gì mà họ muốn và cần thông qua việc tạo dựng và trao đổi giá trị với những cá nhân/tổ chức khác. Trong ngữ cảnh hạn hẹp của kinh doanh, marketing bao gồm việc xây dựng mối quan hệ dựa trên nền tảng trao đổi các giá trị sinh lợi với khách hàng.

- Do đó, “Marketing là quá trình mà doanh nghiệp tạo ra giá trị cho khách hàng và xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với khác hàng nhằm giành được giá trị từ họ” (Kotler và Armtrong, 2012, p.8).

Theo thời gian có rất nhiều quan niệm khác nhau về marketing, tuy nhiên tác giả dựa trên những khái niệm về marketing được chấp nhận và sử dụng phổ biến ở trên rút ra nhận xét rằng: marketing là quá trình tổ chức nhằm thỏa mãn nhu cầu thông qua trao đổi giữa người mua, người bán và cộng đồng.

Các khái niệm Online marketing là gì?

Như đã giới thiệu ở phần mở đầu, ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ thông tin, con người đã khai thác và ứng dụng một loạt các phương tiện điện tử vào quá trình marketing của doanh nghiệp. Cùng với quá  trình đổi mới đó là sự ra đời của khái niệm marketing trực tuyến, được sử dụng dưới nhiều tên gọi như: electronic marketing (e-marketing), internet marketing, digital marketing, online marketing.

Trong giai đoạn hiện nay, có thể nói rằng marketing trực tuyến không còn là khái niệm xa lạ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Để có thể hiểu rõ hơn tác giả xin đưa ra một số khái niệm và theo quan điểm của mình là dễ hiểu và được sử dụng phổ biến nhất:

  • Reedy: sử dụng thuật ngữ electronic marketing và định nghĩa nó là bao gồm tất cả các hoạt động để thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của khách hàng thông qua internet và các phương tiện điện tử (Reedy et al, 2000).
  • Dave Chaffey và PR Smith: e-marketing là những hoạt động của doanh nghiệp nhằm đạt được các mục tiêu marketing thông qua việc sử dụng các công nghệ giao tiếp điện tử. (Chaffey and Smith, 2008, p590).
  • Stokes, 2009: định nghĩa theo một cách ngắn gọn marketing trực tuyến là marketing ở trong môi trường kết nối Internet và sử dụng nó để kết nối thị trường.
  • Calvin Jones và Damian Ryan (2009): Đồng quan điểm với Stoke, họ định nghĩa rằng: “Digital marketing là hoạt động marketing cho sản phẩm và dịch vụ bằng cách sử dụng các công cụ sẵn có của mạng internet để tiếp cận với người sử dụng internet”.
  • Judy Strass  (2014, p.23): nhận định e-marketing là một phần hoạt động kinh doanh trực tuyến trong mỗi doanh nghiệp, thông qua công nghệ thông tin nó tạo ra thông tin và mạng giá trị tới cho khách hàng, đồng thời quản lý mối quan hệ khách hàng, đẻ tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp và các cổ đông. Nói một cách đơn giản e-marketing là sự kết hợp giữa marketing truyền thống và công nghệ thông tin. E-marketing tác động tới marketing cổ điển theo 2 hướng. Thứ nhất, tăng khả năng và hiệu quả của các chiến lược marketing truyền thống. Thứ hai, biến đổi nhiều chiến lược. Sự thay đổi này tạo ra mô hình kinh doanh mới làm gia tăng giá trị khách hàng và tăng lợi nhuận cho công ty.
  • Phillip Kotler và Gary Armstrong: không sử dụng thuật ngữ e-marketing và một khái niệm ông đưa ra là Online marketing: “Online marketing là những nỗ lực nhằm tiếp thị sản phẩm, dịch vụ và xây dựng mối quan hệ với khách hàng thông qua internet” (Kotler và Armstrong, 2012, trang 614).
  • Theo Jonh O’ Connor và cộng sự: phần quan trọng nhất của công nghệ trong e-marketing không phải chỉ là internet. Mà còn là cơ sở dữ liệu chứa dữ liệu có giá trị về tài nguyên quan trọng nhất mà nhà tiếp thị cần - đó là khách hàng. Chúng bao gồm hệ thống quản lí quan hệ khách hàng (CRM), các ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu thị trường, công cụ bán hàng tự động hóa … (O’ Connor et al, 2004, p.67).

Như vậy, có thể khái quát chung lại thì marketing trực tuyến là ứng dụng phương tiện điện tử bao gồm internet và các công cụ có thể có từ quá trình phát triển công nghệ thông tin mang lại để thay cho các hình thức thông thường nhằm tiến hành các quá trình marketing. Điều đó cũng có nghĩa rằng các khung tiêu chuẩn và tiến trình marketing truyền thống vẫn phù hợp và logic chỉ mở rộng thêm là chúng ta có nhiều công cụ và cách thức khác để áp dụng.

Tài liệu tham khảo

Danh mục tiếng Việt

  1. Kotler (2002), Marketing căn bản, NXB Thống kê.
  2. Kotler (2015). Kotler bàn về tiếp thị, làm thế nào để tạo lập, giành được và thống lĩnh thị trường. Bản dịch Tiếng Anh. Người dịch Vũ Tiến Phúc. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản trẻ.
  3. Kotler and Armstrong, eds., 2012. Nguyên lí tiếp thị. Dịch từ tiếng Anh. Người dịch Lại Hồng Vân và cộng sự, 2012. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao Động - Xã Hội.
  4. Kotler and Keller, 2013. Quản trị marketing. Dịch từ Tiếng Anh. Người dịch Lại Hồng Vân và cộng sự. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao Động - Xã Hội.
  5. Kotler, 2014. Thấu hiểu tiếp thị từ A đến Z, 80 khái niệm nhà quản lí cần biết. Dịch từ tiếng Anh. Người dịch Lê Hoàng Anh. Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Trẻ.

Danh mục tiếng Anh

  1. American Marketing Association, 2013. Definition of Marketing. https://www.ama.org/AboutAMA/Pages/Definition-of-Marketing.aspx [Accessed 26 August 2016].
  2. Damani et al, 2010. Online Marketing : Online Media Planning, Pay Per Click Search Marketing, Organic Search Engine Optimization, Email Marketing, Affiliate Marketing, Rich Media and Banner Advertising, Viral Marketing, Social Networks and Analytics. London: Imano Plc.
  3. Dave Chaffey and Chadwick, 2012. Digital Marketing, Strategy, Implementation and Practice. London: Prentice Hall.
  4. Gronroos and Christian, 1993. A Service Quality Model and its Marketing Implications. European Journal of Marketing, Volume 18, Number 4, p. 36 – 44.
  5. Kotler and Armstrong, 1994. Principles of Marketing. London: Prentice Hall.
  6. McCarthy, 1975. Basic marketing, a managerial approach. Chicago: Homewood, Ill., R.D. Irwin
  7. O’ Connor et al, 2004. Electronic marketing, Theory and Practice for the Twenty-First Century. London: Prentice Hall.
  8. Reedy et al, 2000. Electronic Marketing: Integrating Electronic Resources into the Marketing Process. New York: Harcourt College Pub.
  9. Stokes, 2009. E-marketing - The essential guide to online marketing. Cape Town: Quirk eMarketing (Pty) Ltd.
  10. Stone et all, 2007. Fundamentals of Marketing. New York: Routledge
  11. Strass and Frost, 2014. E-marketing. London: Prentice Hall.

Load more
Bài mới nhất
Danh mục
Liên kết website
Blog bạn bè