Nội dung chính
  1. Vài chiêu trò tinh vi của bọn cướp iPhone thời nay
    1. Case 1: nhỏ bạn thân 01 & lần dại khờ mất iCloud 
    2. Case 2: nhỏ bạn thân 02 & sự bĩnh tĩnh có được từ quá khứ
    3. Case 3: từ chia sẻ của bạn Vũ Dino
  2. Bài học đắt giá rút ra khi dùng điện thoại iPhone
    1. 1. Bảo vệ chiếc iPhone của bạn ngay từ bây giờ
      1. Đặt mật khẩu mở khoá màn hình
      2. Cài đặt mật khẩu cho sim điện thoại (Mã PIN)
      3. Luôn bật bảo mật 2 lớp cho tất cả tài khoản
      4. Kích hoạt thẻ Master card hoặc Visa (nếu có)
    2. 2. Những thông tin luôn cần nhớ
      1. ID & pass iCloud điện thoại
      2. Các thông tin để xử lí khoá sim
      3. Các thông tin để xử lí khoá tài khoản ngân hàng
    3. 3. Tuyệt đối không tuỳ tiện public thông tin cá nhân
    4. 4. Không bao giờ tin vào các tin nhắn "Fake" 
  3. Cần làm gì khi mất điện thoại iPhone?
    1. Bước 1: Gọi tổng đài khoá sim 
    2. Bước 2: Gọi ngân hàng khoá các loại thẻ 
    3. Bước 3: Kích hoạt Chế độ mất của iCloud
    4. Bước 4: thông báo đến mọi người  về việc mất điện thoại
    5. Bước 5: Làm lại sim mới ngay
    6. Bước 6: Đổi tất cả password các tài khoản quan trọng

Amy Blog

Blog cá nhân chia sẻ về hành trình tập làm người lớn của cô gái Tây Nguyên.

Mất điện thoại iPhone nên làm gì? #4 bài học bảo mật đắt giá

Cần làm gì khi bị mất điện thoại iPhone là điều mà chính mình cũng từng lúng túng khi được hỏi đến. Bài viết này mình viết tặng cho chính bản thân rút ra từ kinh nghiệm của những đứa bạn thân với rất nhiều lần mất điện thoại. Thực sự từ lúc bước chân vào Sài Gòn (cũng được hơn 11 năm) mình không thể nhớ được số lần nhỏ bạn mình bị mất điện thoại, và lần nào cũng hồi hộp sợ bị mất tiền, bị hack các tài khoản cá nhân như gmail, facebook,... Nói chung là sợ đủ thứ. 

Vậy nên, nếu như bạn và người thân của bạn đang sử dụng điện thoại iPhone thì hãy chia sẻ tới họ, cùng nhau có những phương án bảo mật tốt nhất và chuẩn bị sẵn tâm lý vững vàng phòng khi có bất kì rủi ro không hay nào xảy ra nhen. <3 

Bài viết khá dài, bạn có thể bỏ qua phần đầu tiên (vì phần này mình chủ yếu mình chỉ nêu một số chiêu trò của tụi trộm cướp hiện nay) & chọn đến phần bạn cần ngay:

  • Trường hợp bạn vừa bị mất điện thoại cần xử lí ra sao: đọc phần này
  • Trường hợp đang muốn tìm cách bảo vệ an toàn cho máy: đọc phần này

Vài chiêu trò tinh vi của bọn cướp iPhone thời nay

Như mọi người đã biết, iPhone nằm trong top thương hiệu điện thoại có tính bảo mật cao nhất trên thế giới. Một thứ mà khiến bọn trộm cướp khá ngán iPhone đó chính là iCloud. Mỗi chiếc iPhone được gắn với một tài khoản iCloud của chủ sở hữu và cũng coi như là chứng minh quyền sở hữu với thiết bị này. Tài khoản iCloud này không chỉ gắn chặt với iPhone mà còn với tất cả các thiết bị khác trong hệ sinh thái của Apple như: Apple watch, Macbook hay iPad.

Tuy nhiên, có thể nói trình độ của những tên trộm cướp hiện nay ngày càng vượt bậc, chúng thông minh hơn và luôn tìm mọi cách để qua mặt chúng ta. ;((( 

Case 1: nhỏ bạn thân 01 & lần dại khờ mất iCloud 

Vừa lúc bị lấy mất điện thoại khi đi shopping trong một chuyến du lịch, bạn mình đã mượn điện thoại và gọi ngay vào số đã mất nhưng chúng đã nhanh chóng tắt nguồn. Sau đó, bạn mình gọi lên tổng đài khoá sim & khoá tài khoản ngân hàng. Bạn mình cũng kích hoạt "Chế độ mất" trong Find My iPhone. 

  • Giải thích một chút về Chế độ mất - Lost mode: khi bật chế độ này, thì khi nào điện thoại của bạn online, Apple sẽ tự động thông báo địa điểm của điện thoại về cho mình. Khi iPhone bị khoá iCloud có nghĩa là tên trộm ko thể truy cập vào điện thoại, dù có reset máy, cài lại phần mềm hoặc làm bất kì điều gì mà ko có mật khẩu iCloud. Hay nói cách khác chiếc điện thoại lúc đó chỉ có cách rã máy ra bán linh kiện, chứ ko được bán như là một chiếc điện thoại hoàn chỉnh nữa. Vậy nên khi đã mất điện thoại bảo vệ tài khoản iCloud là vô cùng quan trọng.

Qua ngày hôm sau bạn mình đi làm lại sim (vì lúc mất là buổi tối), sau khi lên xe về lại thành phố, bạn mình nhận được tin nhắn gửi đến từ nước ngoài, với nội dung đại loại là "iPhone của bạn đã được locate, hãy đăng nhập để xem vị trí của iPhone":

"Apple Inc SuppportSuppport.

Find My iPhone

Your lost IPHONE 7 128GB ROSE GOLD has been located. Please login Apple ID to view location.

(Đường link)

Apple."

Hình minh hoạ kiểu tin nhắn đó

Và dẫn link đến một trang web với giao diện y hệt Apple:

Giao diện iCloud giả

Người con gái ngây thơ, nhẹ dạ cả tin của mình đã không cần nghĩ suy, vội vội vàng vàng login và thế là trúng đòn của tụi trộm. Tụi nó đã có được user/pass iCloud của bạn mình và gỡ ra khỏi điện thoại. :(((

Case 2: nhỏ bạn thân 02 & sự bĩnh tĩnh có được từ quá khứ

Với mình, nhỏ được mệnh danh là nữ hoàng mất đồ & đặc biệt là điện thoại. Cho nên dù ít dù nhiều thì lần gần nhất của bạn mình nhẹ nhàng hơn một chút. ;))) 

Bạn mình dừng xe bên đường, lấy điện thoại xem bản đồ và bị giật điện thoại chỉ trong tích tắc. Khổ nỗi là bạn mình đi một mình, đang đứng giữa đường và cả 2 sim đều trong em iPhone bị giật kia.

Lúc đó, bạn mình may giữ đủ bình tĩnh & tấp vào lề mượn điện thoại của người dân gọi lên tổng đài khoá sim. Tổng đài viên sẽ yêu cầu đọc 5 số điện thoại có liên lạc thường xuyên gần nhất (bất kể nhà mạng nào). Thi thoảng cũng có tổng đài viên hỏi thêm số dư tài khoản còn bao nhiêu (đối với thuê bao trả trước). 

Sau khi khoá sim thì tới khoá các loại thẻ và ứng dụng ngân hàng nè. Bạn mình sử dụng các apps ngân hàng trên điện thoại, nên dù không mất thẻ vẫn khá rủi ro. Còn ai không xài apps ngân hàng thì có thể tạm bỏ qua bước này để ưu tiên các bước khác quan trọng hơn. Điều này hơi bị mệt mỏi, xử lí cồng kềnh và tốn thời gian lắm luôn, nhất là nếu thời điểm buổi tối, ngoài giờ làm việc. Bạn mình gọi lên tổng đài ngân hàng thì... haiz. Nói chung, cũng tuỳ ngân hàng có nhân viên trực 24/7 hỗ trợ (ví dụ VCB bạn mình phản hồi là gọi trong vô vọng, VIB gọi vài lần liên tục thì gặp được tổng đài viên,...).

Thực ra song song với vụ xử lí tài khoản ngân hàng thì bạn mình tìm cách khoá iPhone luôn, có điều lúc đó ngoài đường và không có người thân quen chỉ biết mượn điện thoại của mấy anh bảo vệ mò (có một giải pháp khác cho ai trong tình huống này là alo cho người thân nhờ khoá giùm).

Về tới nhà, bạn mình lo xử lí tất cả các tài khoản khác như Gmail, FB, zalo, viber, skype,.... đổi pass lại đồ hết. Đồng thời thông báo cho mọi người biết hắn mới mất điện thoại để cảnh giác nếu có ai mạo danh mượn tiền. 

Case 3: từ chia sẻ của bạn Vũ Dino

Case này mình trích lại từ chia sẻ của bạn Vũ Dino trên Facebook. 

Khi vừa mất điện thoại thì Dino cũng nhanh chóng khoá iCloud của điện thoại, đưa điện thoại về Chế độ mất.

Tuy nhiên, tay cướp điện thoại không phải dạng vừa. Ngay sau khi giật được điện thoại hắn đã tắt điện thoại. Còn Dino cũng giống như nhỏ bạn thứ 02 của mình, Dino mất khá nhiều thời gian để xử lý, do đang ở ngoài đường, làm lại sim phải về nhà lấy giấy tờ tuỳ thân, chưa kể hôm đó là chủ nhật.

[Dino lúc đó chưa nghĩ đến việc gọi tổng đài khoá sim ngay]

Đồng thời, bạn ấy cũng không thể đăng nhập được bất kì mạng xã hội hay email vì không còn sim điện thoại ở đó. Nói chung khá bế tắc & bạn ấy mất tầm 5 tiếng lòng vòng ngoài đường để mua điện thoại mới, làm lại sim.

Bọn trộm cực chuyên nghiệp, lúc bạn ấy làm lại sim xong, đăng nhập Gmail thì phát hiện ra Gmail của bạn ấy đã bị đổi passwordRất có khả năng là hắn lấy sim ra khỏi điện thoại và cắm vào máy khác gọi để biết được số điện thoại. Sau đó hắn search số điện thoại của Dino trên mạng để tìm kiếm thông tin cá nhân và đâu đó hắn tìm được ra địa chỉ email của bạn ấy. 

Hắn tiếp tục thực hiện reset Gmail. Sau khi yêu cầu đổi password, Google sẽ gửi một tin nhắn về số điện thoại đã đăng kí để xác thực nên hắn đã chiếm gọn được Gmail của bạn. Và theo đó, chúng cũng suy đoán nó cũng chính là tài khoản iCloud vì thông thường mọi người hay dùng chung tài khoản. Chúng sẽ tiếp tục reset iCloud. Đến đây thì chúng gặp một số cản trở bởi:

  • Trường hợp thông thường: hắn sẽ có ngay được pass iCloud & dễ dàng gỡ iCloud ra khỏi máy đem đi bán. 
  • Trường iCloud có sử dụng tính năng bảo mật hai lớp (2 factors authentication): tính năng này hiệu quả với những ai sử dụng nhiều thiết bị của Apple. Khi bạn đăng nhập iCloud trên một thiết bị mới, bạn sẽ cần xác thực từ một trong các thiết bị cũ. Hoặc khi bạn reset mật khẩu bạn cũng cần xác thực từ một trong những thiết bị khác đã có iCloud đó. Và dĩ nhiên nếu tên trộm chỉ có mình iPhone thì bọn chúng không thể reset mật khẩu.
  • Trường hợp iCloud có đăng kí Master card: đây là trường hợp khá giống với Google. Nếu tên trộm chọn cách gửi tin nhắn xác thực đổi pass về điện thoại, nếu tài khoản của bạn có đăng kí Master card vào Apple ID thì Apple sẽ yêu cầu thêm thông tin của thẻ Master card. 

May mắn là bạn Dino đã có đăng kí và bọn trộm không thể nào lấy cắp được tài khoản iCloud của bạn ấy mặc dù đã lấy được tài khoản Gmail trước đó. Apple đúng là vẫn đỉnh. 

Reset iCloud nếu có đăng kí Master card vào Apple ID sẽ được yêu cầu cung cấp thêm thông tin

Bài học đắt giá rút ra khi dùng điện thoại iPhone

1. Bảo vệ chiếc iPhone của bạn ngay từ bây giờ

Đặt mật khẩu mở khoá màn hình

Mình thấy nhiều bạn đến giờ vẫn chủ quan không cài, tuy nhiên hãy đặt mật khẩu để ít nhất có thể câu giờ tụi trộm khi chúng đang cố bẻ khoá lớp đầu tiên này. Còn nếu chúng khôi phục cài đặt gốc, ngay lập tức iPhone có thể sẽ biến thành gạch khi chúng không biết tài khoản iCloud. 

 

Hiện nay, Apple cung cấp khá nhiều kiểu Passcode cho người dùng, tuy nhiên mình khuyên các bạn nên dùng kiểu Mã chữ số tuỳ chỉnh, vì mã số tuỳ chỉnh sẽ gây bất lợi cho kẻ trộm, chúng không thể xác định được mật khẩu có bao nhiêu kí tự.

Cài đặt mật khẩu cho sim điện thoại (Mã PIN)

Cài PIN CODE cho sim, mỗi khi máy khởi động lại hoặc rút sim cắm vào máy khác, thì sim sẽ đòi passcode để có thể sử dụng. Nhập sai 3 lần sẽ bị khoá sim. Cái này cực kì tốt trong vấn đề bảo mật. Còn nếu chính bạn quên passcode và bị khoá sim thì chỉ cần gọi trực tiếp lên tổng đài để được hướng dẫn mở lại sim. 

Để kích hoạt tính năng này, bạn vào Cài đặt > Điện thoại /Di động > PIN của SIM. Tại đây hãy gạt bật tính năng này lên và và thiết lập mã PIN.

Sau đó bạn tiến hành cài đặt mã PIN mới cho sim. Nếu thực hiện lần đầu tiên, bạn phải nhập mã PIN sim mặc định của nhà mạng: 

  • SIM Viettel: 0000
  • SIM Vinaphone: 1234
  • SIM Mobifone: 1111

Nhập thành công thì nút tắt/bật tính năng sẽ chuyển sang màu xanh.

Lưu ý: trường hợp bạn nhập sai, đừng cố nhập đến lần thứ 3 vì sau 3 lần nhập sai sim sẽ bị khoá. Tốt nhất nhập 2 lần, nếu sai hãy chờ 30 phút quay lại, hệ thống sẽ cho bạn lại 3 lần nhập. Có một số trường hợp nhập xong mã PIN mặc định của nhà mạng bạn vẫn không thấy nút gạt chuyển qua màu xanh, bên cạnh đó chữ "Đổi PIN" lại chuyển qua màu xám. Đừng lo lắng, bạn hãy thoát ra ngoài, khoảng 1, 2 phút vào lại hệ thống sẽ chuyển qua màu xanh. 

Tiến hành chọn "Đổi PIN". Ở "PIN hiện tại" bạn vẫn nhập lại mã PIN mặc định của nhà mạng nhé. Ở "PIN mới" nhập mã pin theo ý bạn đặt > Xong

Luôn bật bảo mật 2 lớp cho tất cả tài khoản

Đừng nghĩ nó phiền, lúc xảy ra chuyện bạn mới thấy giá trị của nó. Gmail, Apple Facebook,... cái gì cũng cần bảo mật hai lớp. Có nghĩa khi bạn đăng nhập bạn cần approve từ một thiết bị đã đăng kí từ trước đó hoặc cần số điện thoại để có thể đăng nhập. 

iCloud được xem như linh hồn của các thiết bị Apple. Vì thế bạn càng có nguy cơ gặp nguy hiểm nếu ai đó biết mật khẩu đăng nhập. Tính năng bảo mật 2 lớp của Apple ID hoạt động khá đơn giản nhưng độ bảo mật vô cùng cao.

Sau khi kích hoạt tính năng này, mỗi lần đăng nhập Apple ID vào một thiết bị lạ hay thay đổi thông tin tài khoản, ngay lập tức thông báo sẽ được gửi về số điện thoại đăng kí, kèm theo đó là 6 chữ số để xác thực quyền đăng nhập.

Kích hoạt thẻ Master card hoặc Visa (nếu có)

Hãy kích hoạt các thẻ thanh toán vào tài khoản Apple ID, vì như trường hợp của Dino ở trên, các bạn có thể thấy tên trộm không thể lấy được pass iCloud của bạn ấy, mặc dù chúng có được user/pass của Gmail. Đó chính là bởi chúng cần có thêm thông tin thẻ thanh toán do Apple yêu cầu cung cấp. 

Để kích hoạt Mastercard hoặc Visa cho Apple ID bạn vào Cài đặt > Bấm vào phần tên ở trên cùng > Thanh toán & giao hàng > Chọn thêm Phương thức > Chọn Thẻ tín dụng/ghi nợ & nhập thông tin > Xong

2. Những thông tin luôn cần nhớ

ID & pass iCloud điện thoại

Sẽ rất đau khổ khi chính bản thân bạn cũng không nhớ tài khoản iCloud của mình. Trong mọi tình huống bạn sẽ rất khó khăn để xử lý, đặc biệt khi mà số điện thoại đăng kí ID Apple đang bị mất.

Các thông tin để xử lí khoá sim

- Số tổng đài nhà mạng: 

Tổng đài Viettel: 198

Tổng đài Mobifone: 9090

Tổng đài Vinaphone: 9191

Tổng đài viên sẽ hỏi một số thông tin để xác thực bạn là chủ nhân của sim trước khi thực hiện yêu cầu khoá sim từ bạn:

- Số CMND & ngày cấp của bạn

- Số điện thoại thường xuyên liên lạc (Từ 3-5 số liên hệ)

Các thông tin để xử lí khoá tài khoản ngân hàng

- Tổng đài ngân hàng mà bạn sử dụng

- Số CMND & ngày cấp của bạn

3. Tuyệt đối không tuỳ tiện public thông tin cá nhân

Chúng ta cần tập thói quen không dễ dãi cung cấp thông tin cá nhân như: email và SĐT tự do trên mạng. Đặc biệt, không nên sử dụng email và SĐT để đăng kí tài khoản quan trọng chung với email và SĐT giao dịch hàng ngày

Apple một khi đã khoá máy thì sẽ không dễ dàng hiện ra email của iCloud, vì email sẽ được hiển thị dưới dạng a*******@*****.com.

Tuy nhiên, quay lại ví dụ thứ 3 ở phần đầu tiên, tại sao tên trộm biết được email của Dino. Bạn ấy có chia sẻ rằng khả năng cao là do ngày xưa, không ai mấy quan tâm đến thông tin cá nhân, bạn ấy đã cung cấp tá lả trên mạng xã hội (diễn đàn, đăng bán online hộ Ba bạn ấy).

4. Không bao giờ tin vào các tin nhắn "Fake" 

Bạn phải kiểm tra đi, kiểm tra lại rồi mới cung cấp thông tin như mật khẩu vào những địa chỉ được gửi đến.

Như bạn thấy trường hợp 1 của bạn mình ở trên, link được gửi đến là http://dectectphone.com đây hoàn toàn không phải link của Apple. Bạn nên lưu ý, Apple chỉ có 2 trang quản lý tài khoản chính là apple.com và iCloud.com.

Cần làm gì khi mất điện thoại iPhone?

Với những điều bạn đã chuẩn bị sẵn ở phần thứ 2, nếu rủi ro này xảy ra, bạn hoàn toàn đủ bình tĩnh & xử lý nhanh chóng hạn chế nhất rủi ro.

Bước 1: Gọi tổng đài khoá sim 

Mình có list sẵn một vài tổng đài nhà mạng thường dùng ở phía trên: Tại đây

Bước 2: Gọi ngân hàng khoá các loại thẻ 

Bước này làm song song với bước 3 càng tốt, bạn có thể nhờ người thân xử lí khoá iCloud giúp ngay lập tức. 

Danh sách một số tổng đài ngân hàng mình có list sẵn phía trên: Tại đây

Bước 3: Kích hoạt Chế độ mất của iCloud

  • Trường hợp bạn có một thiết bị iOS bất kỳ: truy cập vào mục Tìm iPhone và nhập iCloud của bạn vào. Ngay lập tức hệ thống sẽ hiển thị vị trí iPhone đã mất của bạn, chọn iPhone của bạn sau đó chọn Chế độ mất.

  • Trường hợp bạn không có iDevice nào: truy cập vào iCloud.com, đăng nhập tài khoản iCloud của bạn, chọn Tìm iPhone > Chế độ mất.

 

 

Bước 4: thông báo đến mọi người  về việc mất điện thoại

Hãy thông báo đến bạn bè, người thân trên các kênh mà bạn cho là phù hợp (ví dụ Facebook, linked in, instagram, zalo,...), tránh kẻ gian lợi dụng được kẽ hở nào đó mà không lường trước được, mạo danh bạn mượn tiền bạn bè, người thân. 

Bước 5: Làm lại sim mới ngay

Bước 6: Đổi tất cả password các tài khoản quan trọng

Hi vọng, bài chia sẻ này sẽ giúp mọi người có một sự phòng bị tốt cho mình trước mọi tình huống xảy ra khi sử dụng điện thoại iPhone. Đồng thời, cũng để cho bọn trộm cảm thấy vô cùng khó khăn và đó không còn là cách "quá lời" để bọn chúng phải liều mình như thế nữa. 


Load more
Bài mới nhất
Danh mục
Liên kết website
Blog bạn bè