Nội dung chính
  1. Anh Ngọc Hiếu là ai?
  2. Người & Robot trong công ty theo quan điểm của anh Ngọc Hiếu
    1. Người
    2. Robot
    3. Cách dùng người và robot

Amy Blog

Blog cá nhân chia sẻ về hành trình tập làm người lớn của cô gái Tây Nguyên.

2 nhóm người trong công ty mà lãnh đạo cần phải biết

Có thể nói, cái duyên đọc được chia sẻ về chuyện hai nhóm người trong công ty ở bài viết Người & Robot của anh Hiếu tại thời điểm đầu năm 2016 đã giúp mình nhận thức ra được khá nhiều vấn đề. Chính nó cũng khiến mình thay đổi mindset trong giai đoạn công ty khủng hoảng cả về tài chính lẫn nhân sự. 

Anh Hiếu là idol trong lòng mình từ hồi mình còn là sinh viên và cho đến giờ vẫn vậy, bởi trình độ, tư duy & cả sự điềm đạm, khiêm tốn mà anh thể hiện. 

Đây là cột mốc mình bắt đầu follow anh Hiếu >,<

Mình vô tình biết đến anh Hiếu khi tìm tòi về vài hoạt động của các bạn chuyên ngành Marketing trường mình (Mình học UEH như bài Giới thiệu mình có chia sẻ). Mình dần dà biết về nhóm Tôi yêu marketing, biết đến anh Huỳnh Vĩnh Sơn (Sói ăn chay), chủ nhân của cuốn sách "Ý tưởng này là của chúng mình" mà dân marketing không ai lại không biết đến.

Và nếu mình nhớ không nhầm thì biết đến Tạp chí của anh Hiếu thông qua một bài post trên Facebook phân tích số liệu về hoạt động marketing của các công ty hay một nội dung đại loại như vậy. ;)) Từ đó, mình bị cuốn vào những bài viết của anh với lối viết hài hước, dễ hiểu mà lại cực kì uyên thâm. <3 

Anh Ngọc Hiếu là ai?

Mình không hề biết gì về anh ngoài đời thực tế, mình chỉ cảm nhận từ những thông tin anh chia sẻ trên Blog cá nhân, facebook cá nhân & fanpage thôi nhé. Kiểu đã yêu mến thì cứ thế yêu mến mà không cần si nghĩ nhiều và không chút hoài nghi ;)))

Anh Hiếu nè, đây là thời điểm anh Hiếu lần đầu tiên đặt chân đến Úc, trong lễ tuyên thệ diễn ra tại Darling Harbour (đúng ngày Quốc khánh Úc 26/01/2011 luôn).

Anh Hiếu sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn nhưng hiện sinh sống và làm việc tại Sydney, Úc. Anh đã tham gia xây dựng và phát triển nhiều công ty công nghệ cả ở Việt Nam lẫn Úc hơn 20 năm.  Bởi vậy nên anh thường chia sẻ những bài viết về Product design, Experience design, Product management hay leadership. 

Tuy nhiên thì sau này anh đã xoá gần 2/3 trên tổng số hơn 300 bài viết. Anh có giải thích lý do rằng: "Nhưng lý do chính – quan trọng hơn – là càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn tôi lại càng thấy kiến thức mình còn hạn hẹp và càng cảm thấy phải thận trọng hơn khi phát ngôn một điều gì đó. Vì tôi biết rằng 10 năm tới trong tương lai, đọc lại những gì đã viết, tôi sẽ lại bật cười vì sự ngô nghê của mình."

Năm 2019, anh Hiếu nhận lời mời về Việt Nam tham gia và chia sẻ ở sự kiện UX Vietnam Festival. Mình biết quá trễ để tham gia, trong khi cậu em thân thiết đi về còn khoe, khen các kiểu và không hề biết mình thần tượng anh Hiếu để rủ mình đi chung. Huhu :((( 

Mình rất thích câu nói của anh Hiếu: "Không gì vui hơn khi những bài viết của mình lại mang đến những hiệu ứng tích cực như vậy cho người đọc." Bản thân mình cũng đang là người ngồi viết những dòng blog này và mình cũng cảm thấy vui nếu như những bài viết của mình truyền được nhiều thông điệp tích cực đến một ai đó. 

Hiện tại, anh Hiếu đang là Chief Product Officer tại Seedcom, nhưng mà anh vẫn base chủ yếu ở Úc. Chỉ là anh sẽ bay đi bay về thường xuyên giữa 2 nước thôi. :(

Người & Robot trong công ty theo quan điểm của anh Ngọc Hiếu

Mình chưa xin phép anh, nhưng hi vọng trích dẫn có để nguồn anh sẽ không trách một fan-girl chân chính như mình. >,< 


"Đây là một kinh nghiệm nhỏ mà tôi rút ra được sau từ chính kinh nghiệm của mình.

Xin lưu ý rằng đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân, do đó nó có thể đúng với tôi nhưng không hẳn là sẽ đúng 100% với bạn. Tôi ghi lại đây như một ghi chép cá nhân, đồng thời chia sẻ chia sẻ cho các bạn thêm một góc nhìn về quản lý.

Và cũng xin lưu ý giọng văn hơi trào phúng trong bài có thể sẽ gây cảm giác tôi không tôn trọng nhóm robot. Sự thật tôi luôn trân trọng cả 2 nhóm này, vì xét cho cùng họ đều góp phần công sức của chính bản thân họ vào hành trình của chúng ta.

Người

Người thường dễ nhận diện: họ luôn bước vô công ty với tinh thần vui vẻ, mắt họ sáng lên khi nghe về những điều mới, những việc mà họ thấy tốt cho cty, giao cho họ việc khó thì thường họ xem đó là cơ hội để được thử thách hơn là ngồi kêu trời kêu đất.

Nhóm này nên tuyển kỹ, xét đạo đức nhiều hơn cả chuyên môn. Chuyên môn của nhóm này nhiều khi thua mấy đứa có kinh nghiệm đôi chút cũng không sao, với cái thái độ sống của họ + được đào tạo + được trao cho cơ hội, chẳng mấy chốc họ sẽ vượt qua nhóm có kinh nghiệm nhưng lại hay coi trời bằng vung.

Nhóm này thường khi làm gì mà thất bại thì họ là người tự trách bản thân đầu tiên, không phải đợi ai phải nói (khác với nhóm Robot thường sẽ có xu hướng đổ thừa tại, bị, vì, là,…)

Khi cty phát triển hay khi công ty có vấn đề, đều dành thời gian ngồi tâm sự với nhóm này, chia sẻ hướng đi rõ ràng, chia sẻ tình hình công ty đang tốt hay đang xấu. Vì đám này không sống bằng lương và mà họ sống bằng những trải nghiệm, được thấy những thành quả gặt được từ nỗ lực của họ.

Đây là nhóm mà tôi xem là anh em, dù lên voi xuống chó tôi cũng nghĩ về những cộng sự này (và thường họ cũng sẽ theo chúng ta dù chúng ta đang cưỡi voi hay cưỡi chó).

Khi công ty đi lên, nên nghĩ ngay đến việc chia sẻ (share, stock,…) cho nhóm này, vì:

  • “Người” xứng đáng được tưởng thưởng cho những cố gắng của mình – mà lẽ ra với chất lượng của “người”, “người” sẽ làm lương cao ở những cty lớn, thu nhập cao.
  • “Người” hiểu được giá trị của việc cùng sở hữu cty.

Khi công ty đi xuống, hoặc thất bại:

  • Nên giành thời gian, dùng mối quan hệ của mình để tìm việc mới cho người, giới thiệu người vô những chỗ tốt. Điều đó vừa tốt cho người, vừa tốt cho cái cty được giới thiệu.
  • Nên giữ mối quan hệ với người, vì không ai biết được một mai người và ta sẽ có cơ hội hỗ trợ nhau trong tương lai.
  • Và cuối cùng là vì trách nhiệm mà người chủ doanh nghiệp phải có: founder bị thất bại thì chỉ làm cho founder đó có giá trị hơn (thiệt!), còn anh em theo founder về làm một cty bị thất bại thì chỉ xấu cho CV của họ, tội họ lắm! Mà đời người đi làm thì CV còn quan trọng hơn cái bằng. Cho nên phải có trách nhiệm.

Robot

Cũng như người, Robot cũng dễ nhận diện: giao việc cho robot tới đâu thì robot làm tới đó, may mắn gặp được robot tốt thì giao 10 họ sẽ deliver 10, robot thường thấy nhất thì giao 10 deliver tầm 8-9, còn robot bị lỗi thì giao 10 deliver được 5-6 + trễ hạn.

Robot thường đến đúng giờ và về đúng giờ (khác nhóm “người” thường làm việc không quan tâm giờ giấc), mỗi khi cần làm gì ngoài giờ thì phải thuyết phục (với nhóm người thì nửa đêm nghĩ ra ý tưởng mới ta cũng có thể bốc điện thoại gọi cho họ – cùng lắm họ càm ràm đôi câu rồi nghe ý tưởng hay là họ sẽ tỉnh hơn cả mình).

Robot thích các hoạt động ăn chơi nhảy múa, company trip một năm 2 lần (khác với nhóm “người” thích tụm năm tụm ba lúc 11h đêm ngày thứ 6 để cùng nhau bàn về một chức năng mới của sản phẩm).

Robot làm vì lương, lương cao + công ty vui (theo định nghĩa của robot = ăn chơi nhảy múa nhiều) thì sẽ giữ được robot.

Robot không cần share/stock, đặc biệt là share khi công ty đang chưa thành công.

Công ty sập thì chỉ cần làm đúng thủ tục theo pháp luật với robot. Robot không cần mình phải lo.

Và, nói như vậy không có nghĩa là robot không có giá trị (ngược lại robot rất hiệu quả nếu dùng đúng cách, đúng việc). Và cũng đừng nghĩ robot chỉ là những nhân viên cấp thấp, có một số robot rất lành nghề, làm vị trí rất cao, công việc quan trọng… nhưng họ vẫn là robot.

Có những người chọn làm robot vì đó là con đường họ chọn. Trong một số trường hợp thì đối với họ, công việc không phải là niềm vui chính. Niềm vui của họ có thể là những đam mê khác: văn thơ đàn hát, leo núi, đá banh… Họ đi làm chỉ để cung cấp tài chính cho đam mê kia. Và chúng ta cũng không nên có đánh giá gì về việc đó, thật ra điều đó hoàn toàn không có gì sai, mỗi người có một mục tiêu sống trong cuộc đời của mình.

Cách dùng người và robot

Như tôi đã nói, Người và Robot đều cần thiết cho công ty.

Chỉ là ở góc độ người quản lý, chúng ta phải phân biệt rõ và sử dụng thích hợp người và robot một cách uyển chuyển cho từng việc, từng giai đoạn khác nhau của cty.

Trước đây tôi có sai lầm là đối với nhân viên nào tôi cũng cư xử cùng một cách (luôn chia sẻ, động viên cũng như chia sẻ những định hướng, chiến lược chiến lược… là cách dành cho người). Những việc này thường rất tốn thời gian, trong khi robot không thích nghe, bắt họ nghe mình lải nhải cũng thì đều mất thời gian cho cả hai.

Trước đây tôi thích để anh em có môi trường thoải mái, tự giác. Nhưng sau này rút ra rằng chỉ nên áp dụng điều đó với người, với robot làm vậy thì họ sẽ có chiều hướng lợi dụng và chất lượng từ 8-9 sẽ còn 4-5 thậm chí không theo sát còn 1-2 không biết chừng.

Cách động viên tin thần với robot và người cũng khác nhau. Không nên dùng chung.

Thời gian khi mới bắt đầu thì nên cố gắng tìm người, anh em chan hòa công việc cho nhau để cày ngày cày đêm. Sau này khi công ty đã lớn, mọi việc đã vào guồng, sẽ cần những bánh răng để vận hành những công việc nhất định, robot sẽ rất cần thiết và phù hợp cho những vị trí này.

Người khó kiếm, chúng nên tự đi kiếm, thuyết phục, mời họ về về. Robot thì nên viết bảng mô tả công việc cho kỹ rồi đưa HR tuyển, chúng ta chỉ cần phỏng vấn vòng cuối là được, không nên ôm đồm mà bị quá tải."

Chủ đề này anh Hiếu chia sẻ là muốn viết nhiều nhiều nữa, anh có hẹn dịp khác sẽ bổ sung mà chờ quài chưa thấy. >,< Khi nào thấy mình cũng sẽ bổ sung lên đây để mọi người tiện tham khảo. 

Ở mục Leadership này mình mới có đúng một bài viết, vì thế, nếu thấy hụt hẫng thì bạn có thể ghé qua bên Thần số học chẳng hạn để giải mã những bí ẩn chứa trong con số ngày sinh của bạn theo trường phái khoa học của Pystago - ngoài là nhà toán học thiên tài thì ông còn là một nhà thần học, triết gia xuất chúng nha. >,<


Load more
Bài mới nhất
Danh mục
Liên kết website
Blog bạn bè